Blockchain
SAFT – HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI HAY HỢP ĐỒNG ĐẦU TƯ?
Dù SAFT (Simple Agreement for Future Tokens) được sử dụng rộng rãi trong các dự án blockchain, nhiều nhà phát triển vẫn chưa hiểu rõ về SAFT. Đa số các dự án cho rằng đây là hợp đồng mua trước một loại hàng hóa được hình thành trong tương lai. Nhưng liệu đây có phải là cách hiểu đúng nhất về SAFT? Hãy cùng JNT bóc tách các khía cạnh pháp lý của SAFT qua bài viết này nhé.
Tại sao cần xác định loại hợp đồng của SAFT?
Việc SAFT bị xếp vào loại hợp đồng đầu tư sẽ dẫn dự án tới một loạt các hệ lụy pháp lý đi kèm, một trong số đó là phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền về việc mua bán token. Do vậy, quan điểm “Chỉ cần có cái gì đó ghi lại thông tin mua bán token” có thể khiến các dự án vi phạm pháp luật chứng khoán.
Làm sao để xác định được SAFT là loại gì?
SAFT thực chất chỉ là công cụ để hiện thực hóa những cam kết của mỗi bên tham gia hợp đồng. Do đó, trước khi vạch ra các điều khoản cơ bản trong SAFT, nhà phát triển dự án cần nắm rõ các yếu tố sau để hiểu và tuân thủ pháp luật.
1. Loại token
Đối tượng của hợp đồng chính là các token và việc xác định xem token là loại gì có thể giúp nhà phát triển tự xác định xem SAFT của dự án là loại nào. Một trong những cách để xác định loại token đó chính là Bài kiểm tra Howey (Howey Test). Mặc dù Howey Test ra đời từ một vụ kiện năm 1946 ở Mỹ (SEC v. W. J. Howey Co.), đây vẫn là bộ tiêu chuẩn được các quốc gia khác thường xuyên sử dụng cho đến thời điểm hiện tại.
Theo Howey Test, để một công cụ tài chính, ở đây là các token, được coi là chứng khoán, công cụ đó phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau:
- Nó phải là một khoản đầu tư bằng tiền (An investment of money)
- Trong một doanh nghiệp thông thường (In a common enterprise)
- Với kỳ vọng về lợi nhuận (With the expectation of profit)
- Với lợi nhuận được tạo ra bởi một bên thứ ba (To be derived from the efforts of others)
Đọc thêm: Howey Test
Howey Test được áp dụng linh hoạt tùy vào các trường hợp cụ thể. Nếu token có thể đại diện cho vốn chủ sở hữu trong một công ty hay dự án, hoặc lợi ích hợp tác trong một quỹ, token đó chắc chắn là chứng khoán (thường được gọi với cái tên Security token) bởi nó đáp ứng cả 4 tiêu chí trên. Từ đó có thể khẳng định rằng SAFT cho loại token này là một hợp đồng đầu tư đúng nghĩa.
Nếu token đại diện cho một số quyền đối với hàng hóa hoặc dịch vụ, token đó có thể là utility token. Các dự án thường nhầm tưởng mình ở trong “vùng an toàn” khi tự quảng cáo token của họ là utility token. Họ nghĩ rằng một khi dự án chạy và người nắm giữ token có thể sử dụng token trong hệ thống hoặc sản phẩm của họ, token đó chắc chắn không phải là một khoản đầu tư và do đó không vượt qua Howey Test. Tuy nhiên, ngay cả khi token được sử dụng theo cách như vậy thì token vẫn có thể bị coi là một khoản đầu tư nếu như mục đích của SAFT là đầu tư. Do vậy sẽ không có sự đảm bảo tuyệt đối rằng các dự án phát hành utility token sẽ được loại trừ hoàn toàn ra khỏi sự kiểm soát của pháp luật chứng khoán.
Đọc thêm: NFT, Security token và Utility token
2. Quốc gia nơi thành lập
Do tính chất xuyên quốc gia của các dự án blockchain, không cơ quan tài phán nào có đủ quyền quản lý đối với toàn bộ dự án. Tuy vậy, để giảm thiểu rủi ro pháp lý, các tiêu chuẩn nâng cao do Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (“FATF”) yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (“VASP”)(1) ít nhất phải được cấp phép hoặc đăng ký tại khu vực pháp lý nơi thành lập công ty, hoặc nếu là cá nhân thì phải được cấp phép hoặc đăng ký tại khu vực pháp lý thực hiện hoạt động. Điều này có thể hiểu rộng ra là các công ty sở hữu dự án tối thiểu phải tuân thủ pháp luật tại quốc gia nơi họ thành lập.
Mỗi quốc gia lại có thể có quy định khác nhau về loại token và việc mua bán token. Do vậy, để xác định được liệu SAFT có là hợp đồng đầu tư và việc mua bán token có phải xin phép hay không, các nhà phát triển phải dựa vào pháp luật của từng quốc gia để có cái nhìn chính xác nhất.
Tại Mỹ, năm 2017, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đưa ra hướng dẫn xác định khi nào đợt chào bán coin (ICO) hoặc token đầu tiên được coi là bán chứng khoán. Howey Test được áp dụng để giải quyết vấn đề trên. Thực tế đã có 2 vụ kiện là SEC v. Kik Interactive Inc. (năm 2020) và SEC v. Telegram Group Inc. (năm 2019) xác định các token đã phát hành là security token dù các công ty cho rằng đó là utility token.
Bên cạnh đó, một số dự án có thể vin vào Quy tắc 506 (c) của Regulation D để loại trừ bản thân khỏi nghĩa vụ đăng ký với SEC khi chỉ cho các nhà đầu tư được công nhận (accredited investors) - những nhà đầu tư nhiều tiền - được tham gia vào SAFT. Tuy nhiên, trong vụ kiện SEC v. Kik Interactive, mặc dù vòng private sale và public sale của Kin token sử dụng cho hai đối tượng và đồng tiền khác nhau: private sale sử dụng USD cho accredited investors thông qua SAFT, public sale sử dụng ETH cho đối tượng đại chúng qua các sàn giao dịch, tòa án vẫn cho rằng không thể tách bạch các giao dịch này với nhau và chúng có cùng mục đích: phục vụ hệ thống điện tử của Kik. Do vậy, Kik vi phạm quy định về việc đăng ký với SEC.
Có thể thấy Mỹ quy định khá chặt chẽ về việc mua bán token cũng như sử dụng SAFT. Tuy nhiên, với vị trí tiên phong trong việc đặt ra các quy định về blockchain, Mỹ có thể sẽ là hình mẫu để các quốc gia khác xây dựng khung pháp lý theo.
Singapore chưa có quy định riêng biệt nào điều chỉnh SAFT, tuy nhiên, trong Hướng dẫn phát hành Digital Token của Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) có một ví dụ liên quan đến SAFT như sau:
Công ty G được thành lập và có trụ sở kinh doanh tại Hoa Kỳ. Công ty G dự định phát hành mã thông báo kỹ thuật số (“Token G”) cho bất kỳ ai trên thế giới, bao gồm cả ở Singapore. Token G được điều chỉnh bởi SAFT và là “hợp đồng đầu tư” (nên token G là chứng khoán) theo luật của Hoa Kỳ (vượt qua Howey Test). Token G sẽ được giao dịch trên thị trường thứ cấp trên cơ sở ngoài luồng (over-the-counter) hoặc trên các sàn giao dịch tiền điện tử của bên thứ ba.
Việc phân phối Token G sẽ được quản lý bởi luật chứng khoán do MAS quản lý như sau:
- Khả năng một token chỉ được giao dịch trên thị trường thứ cấp không dẫn đến việc token đó được hiểu là các sản phẩm thị trường vốn (capital markets product) theo Luật Chứng khoán và Tài sản tương lai (SFA).
- Việc xử lý token theo Bài kiểm tra Howey không phải là căn cứ để quyết định xem token có phải là sản phẩm được quản lý theo SFA hay không.
- Công ty G phải xem xét liệu việc chào bán Token G của mình ở Singapore có tuân thủ luật chứng khoán do MAS quản lý hay không, kể cả trường hợp Token G đã tuân thủ luật chứng khoán Hoa Kỳ.
Như vậy, nếu token của một dự án bị coi là chứng khoán và SAFT được xác định là hợp đồng đầu tư thì công ty sẽ phải tuân thủ pháp luật về chứng khoán tại Singapore nếu như token đó được phân phối tại Singapore. Theo Điều 240 của SFA, một công ty phải làm báo cáo khi bán “chứng khoán” cho những người ở Singapore, trừ các trường hợp được miễn. Một trong số những miễn trừ đó là chào bán cho "nhà đầu tư tổ chức" (institutional investors - gần giống như accredited investors tại Mỹ) nếu đáp ứng được các điều kiện nhất định như quảng cáo và hạn chế bán lại.
Một số quốc gia như Panama, Cayman áp dụng định nghĩa Tài sản ảo (VA) của FATF quy định rằng VA là một đại diện kỹ thuật số của giá trị có thể được giao dịch hoặc trao đổi trên nền tảng kỹ thuật số, và có thể được sử dụng cho mục đích thanh toán hoặc đầu tư. Đồng thời, những nhà cung cấp tài sản ảo này phải xin phép nếu như mua bán hoặc trao đổi. Do đó, những token bị coi như một khoản đầu tư thì việc sử dụng SAFT để bán token chắc chắn phải xin phép của cơ quan có thẩm quyền.
3. Giải pháp nào cho SAFT?
Vậy SAFT là hợp đồng đầu tư hay hợp đồng mua bán tài sản hình thành trong tương lai? Với những nội dung mà JNT chia sẻ bên trên, các Dự án và các nhà đầu tư có thể sẽ dán nhãn “đầu tư” cho loại hợp đồng này. Tuy nhiên, việc xác định xem SAFT là loại hợp đồng gì cần phải dựa trên cơ chế hoạt động của token, quy định pháp luật, cũng như nội dung thỏa thuận giữa các bên. Với tinh thần của SAFT, việc phác thảo các điều khoản trong hợp đồng cần phải cẩn trọng để không vi phạm những điều cấm của luật.
Hãy để JNT bảo vệ Dự án của bạn bằng dịch vụ tư vấn và soạn thảo SAFT của chúng tôi. Tự hào là đơn vị tư vấn tài chính - pháp lý chuyên nghiệp tiên phong trong lĩnh vực blockchain, JNT đã giúp đỡ hàng trăm Khách hàng đạt được mục tiêu kinh doanh của mình. Liên hệ ngay với chúng tôi để nhận được giải pháp toàn diện nhất cho Dự án của bạn!
Auth. Zed Nguyen
(1) FATF định nghĩa VASP (Virtual Asset Service Provider) bao gồm những người thực hiện ít nhất một trong năm hoạt động sau: (i) trao đổi tài sản ảo (Virtual Asset - VA) và tiền tệ fiat; (ii) trao đổi giữa một hoặc nhiều loại VA; (iii) trao đổi VA; (iv) lưu giữ và / hoặc quản lý VA hoặc các công cụ cho phép kiểm soát VA; và (v) tham gia và cung cấp các dịch vụ tài chính liên quan đến việc mua bán của tổ chức phát hành VA.